Đoàn trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trân trọng giới thiệu toàn văn bản tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (09/07/1912 – 09/07/2022)
II. Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09 tháng 7 năm 1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1927, 15 tuổi học ở Trường Bưởi, đồng chí đã hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1928, đồng chí bị thực dân Pháp đuổi học vì tham gia hoạt động cách mạng. Về quê, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục chắp nối liên lạc với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương. Cuối năm 1928, đồng chí được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giới thiệu về hoạt động “vô sản hóa" ở mỏ than Vàng Danh.
Năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng. Năm 1930, đồng chí cùng với Nguyễn Đức Cảnh thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên ở Mạo Khê, sau đó phát triển tổ chức cơ sở đảng trên toàn vùng mỏ, thành lập Đặc khu uỷ mỏ, ra tờ báo Than.
Ngày 15/2/1931, trên đường đi công tác Cẩm Phả – Hồng Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đưa về giam ở Nhà tù Hoả Lò. Hội đồng đề hình Hà Nội xử đồng chí án “phát lưu chung thân" và đày ra Côn Đảo.
Năm 1936, do áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội liên lạc với Đảng, lập ra “Uỷ ban sáng kiến". Tháng 7/1937, đồng chí tham gia thành lập Xứ uỷ Bắc Kỳ, khôi phục các cơ sở đảng ở Bắc Kỳ – Trung Kỳ.
Tại Hội nghị Trung ương mở rộng tháng 9/1937, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (3/1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhằm đấu tranh chống bọn tờrốtxkít và tiến hành cuộc tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích" góp phần to lớn vào việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Tháng 09/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo đưa Đảng rút vào hoạt động bí mật và tích cực chuẩn bị cho việc chuyển hướng chiến lược cách mạng.
Tháng 11/1939, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 6, cùng Trung ương Đảng bàn và ra nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam – thời kỳ vận động giải phóng dân tộc.
Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào cao trào mới thì ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Ngày 28/8/1941, đồng chí bị quân thù xử bắn.
Với 29 tuổi đời, hơn mười ba năm tham gia cách mạng, bảy năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn đối với Đảng và dân tộc ta. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (1912-1941)
II. Những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ – chỉ đạo thay đổi chiến lược cách mạng, tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1938 – 1942
Đầu tháng 4/1938, chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Đalađiê cầm quyền ở Pháp, thỏa hiệp với Hitle về vấn đề Tiệp Khắc, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới đến gần. Nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng. Đồng chí đã viết một loạt bài đăng trên báo Dân chúng, như: “Chung quanh vấn đề Nhật chiếm Hải Nam"; “Cùng ông Nguyễn Văn Sâm chủ nhiệm báo Tự do"… Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đồng chí đã chỉ rõ nguy cơ chiến tranh phát xít ở châu Á và Đông Dương, đồng thời kêu gọi nhân dân đẩy mạnh đấu tranh hơn nữa chống chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa phát xít. Để chuẩn bị cho Đảng rút vào hoạt động bí mật, đối phó với tình hình mới, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã chỉ đạo cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng" kịp thời gửi tới Đảng bộ các cấp. Đầu tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ, phổ biến tình hình quốc tế, trong nước và quyết định phải rút ngay số cán bộ hoạt động công khai vào hoạt động bí mật, phân công một số đồng chí cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở các địa bàn chiến lược, chuẩn bị cơ sở cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện. Những chủ trương đúng đắn và nhạy bén của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trước những diễn biến mau lẹ của tình thế cách mạng năm 1939 đã giảm bớt tổn thất cho Đảng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiến lên.
Ngày 6/11/1939, chỉ hai tháng sau khi đại chiến thế giới II bùng nổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Hội nghị đã phân tích sâu sắc tính chất của chiến tranh thế giới II, vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh, những chính sách của đế quốc Pháp, thái độ các giai cấp xã hội và vạch ra đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam trước tình hình mới. Hội nghị đã khẳng định: Chiến tranh sẽ gieo rắc đau thương cho nhân loại, nhưng cuối cùng sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Hội nghị cũng đã thống nhất nhận định: Lúc này ở Việt Nam và Đông Dương, sự thống trị của đế quốc Pháp đã trở thành một chế độ phát xít thuộc địa. Đế quốc Pháp đã thỏa hiệp đầu hàng phát xít Nhật. Do đó, giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc, dù là Pháp hay là Nhật, trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Việt Nam.
Trên cơ sở thống nhất những nhận định và xác định nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (11/1939) đã chủ trương: Tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa. Khẩu hiệu cách mạng ruộng đất lúc này tạm gác lại; chỉ thực hiện chính sách tịch thu ruộng đất của đế quốc và những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc. Khẩu hiệu thành lập chính quyền xô viết công, nông, binh được thay thế bằng khẩu hiệu thành lập chính quyền dân chủ cộng hòa. Để phù hợp với tính chất cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.
Khi nhìn lại những diễn biến lịch sử đã qua chúng ta càng khâm phục quyết định chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) là hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tính kịp thời và đúng đắn về chủ trương chuyển hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương 6, đã được Ban Thường vụ Trung ương khẳng định và đánh giá cao tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11/1940) và Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp. Giữa lúc phong trào vận động giải phóng dân tộc mới bắt đầu tiến triển thì đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp khác của Đảng đã bị bắt. Tuy nhiên, những nhận định và quyết định sáng suốt, kịp thời, những chủ trương nhạy bén và sáng tạo do Hội nghị Trung ương 5, 6 vạch ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn được Đảng và nhân dân ta thực hiện một cách sáng tạo, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lịch sử.
- Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ – nhà lý luận xuất sắc của Đảng
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là cán bộ lãnh đạo có năng lực tư duy lý luận sắc bén. Dù chưa một lần ra nước ngoài, chưa gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cũng chưa dự một lớp huấn luyện chính quy của Đảng, nhưng đồng chí tỏ rõ khả năng lý luận xuất sắc. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong giai đoạn cách mạng 1939 – 1940 nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đã được giải quyết một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp với quy luật vận động khách quan.
Sáng kiến vận động thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trình bày tại Hội nghị Trung ương 5, tháng 3/1938, được coi là một bước đột phá trên cả phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng. Từ sự phân tích khoa học, Đảng ta quyết định không áp dụng mô hình “Mặt trận bình dân" theo kiểu của Cộng hòa Pháp, không vận dụng mô hình “Mặt trận dân tộc phản đế" của Trung Quốc, mà thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương để đoàn kết giai cấp công nhân, nông dân, thu hút được đội ngũ trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách, dân chủ khác. Để làm rõ và thống nhất trong toàn Đảng về quan điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương", trong đó đưa ra và giải thích một cách khoa học nhiều khái niệm và phạm trù mang tính lý luận như: “Thế nào gọi là tự do dân chủ ?", “Tự do dân chủ với dân tộc", “Tự do dân chủ với giai cấp tư sản", “Tự do dân chủ với giai cấp vô sản"… để rồi đi đến kết luận rằng: “Xứ Đông Dương hàng thế kỷ dưới chế độ phong kiến, rồi kế đến chế độ thuộc địa áp bức. chính sách thuộc địa câu kết với tàn tích phong kiến để thống trị xứ Đông Dương, nên cư dân xứ này chưa được hưởng cái mùi tự do dân chủ của hiện đại, cho nên nhân dân Đông Dương muốn có tự do dân chủ thì phải đấu tranh"2. Nhưng đấu tranh bằng hình thức nào, đồng chí Nguyễn Văn Cừ khẳng định: “Căn cứ theo tình hình cụ thể đó, chúng ta có thể dùng phương pháp tranh đấu có tính chất hòa bình – là chính sách lập mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương để thực hiện những điều yêu cầu ấy"3. Tác phẩm: “Các quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương" của đồng chí đã luận giải được nhiều vấn đề lý luận cơ bản để trên cơ sở đó Đảng ta đua ra những quyết sách chiến lược, sách lược trong thời kỳ Mặt trận thống nhất dân chủ.
Năm 1939, chủ nghĩa phát xít đe dọa tiến hành chiến tranh thế giới, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương lăm le trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, một số phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra sức chống phá cộng sản. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo tiến hành một cuộc đấu tranh sâu rộng trên mặt trận lý luận. Trước hết là đấu tranh vạch rõ chân tướng của bọn trốtxkít với giọng điệu “cách mạng đầu lưỡi" của chúng, chỉ ra nguyên tắc liên hiệp giữa Đảng Cộng sản với các đảng phái khác: “Sự liên hệ phải có nguyên tắc, chứ không phải liên hiệp với cả bọn phản động, bọn khiêu khích tơrốtkit, tay chân phát xít"4; đối với bọn này: “Không thể có thỏa hiệp nào, nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị"5.
Trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, tháng 6/l939, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho in cuốn “Tự chỉ trích". Đây là một đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, một đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng đã viết công khai: “Những người cộng sản có bổn phận nói sự thật cho quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh phờ họ"6. Và dù có sai lầm, có thất bại thì “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật"7. Phê phán những khuynh hướng sai lầm “thiên tả", hoặc “thiên hữu" của một số cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ yêu cầu Đảng phải “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ"8.
Tác phẩm “Tự chỉ trích" ra đời cách đây hơn bảy mươi năm, do một người cộng sản Việt Nam chỉ được học tập lý luận chủ yếu ở trong nhà tù đế quốc nhưng bằng thực tiễn hoạt động phong phú của mình, tác giả đã khái quát được những vấn đề tư tưởng lý luận hết sức sâu sắc mang tính thời đại cho đến nay vẫn còn giá trị thời sự. Tác phẩm “Tự chỉ trích" đã thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng xuất sắc, đồng thời thể hiện trí tuệ sáng ngời của Đảng ta trong việc làm giàu thêm kho tàng lý luận học thuyết Mác – Lênin.
- Đồng chí Nguyễn Văn Cừ – một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và tinh thần tự học tập, rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng
3.1. Một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng ta. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản.
Với tinh thần say sưa học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng, từ lúc còn là học sinh bước vào hoạt động cách mạng cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, dù không được đi học ở trường lớp lý luận chính trị nào, nhưng bằng niềm tin, nghị lực biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tự trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị, trở thành Tổng Bí thư – cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, góp phần cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng giải quyết đúng đắn những yêu cầu của cách mạng Việt Nam và Đông Dương đề ra. Trong hoàn cảnh khẩn trương phức tạp thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), Đảng ta gặp nhiều trở lực và khó khăn: Kẻ thù luôn luôn tìm cách đàn áp, bọn trốtxkít khiêu khích phá hoại, một số cán bộ, đảng viên của Đảng bộc lộ những khuynh hướng sai lầm tả khuynh và hữu khuynh trong việc thực hiện chiến lược, sách lược cách mạng, mắc sai lầm trong nhận thức… Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng tạo nên một cao trào cách mạng sôi nổi, hàng triệu quần chúng đã giác ngộ theo Đảng làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đập tan chế độ thực dân phong kiến, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thành công đó có cống hiến trí tuệ và sức lực vô cùng to lớn của toàn Đảng, của các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, như: Đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ…
Không chỉ có tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn là tấm gương sáng về sự liên hệ với quần chúng, tin tưởng và gắn bó máu thịt với quần chúng, coi trọng công tác vận động quần chúng. Bất kỳ ở đâu, sống giữa những người bạn phu mỏ vùng Đông Bắc, hay bạn tù Côn Đảo, dù là đảng viên hay lúc đã giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn thể hiện là người cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, chân thành, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, có tác phong chan hoà, gần gũi với mọi người, có khả năng tập hợp, đoàn kết, được cán bộ, đảng viên và nhân dân mến yêu và cảm phục.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có năng lực tư duy lý luận sáng tạo, nắm bắt thực tiễn nhanh nhạy, khả năng thuyết phục, cảm hoá mạnh mẽ, nêu tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình trong Đảng. Với kẻ thù và những phần tử phản động, phần tử Trốxkít mưu toan chia rẽ, phá hoại Đảng, đồng chí kiên quyết đấu tranh bác bỏ, không khoan nhượng. Với những sai lầm, thiếu sót của cán bộ, đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn nhỏ nhẹ, chân thành, trao đổi thường xuyên, có lý, có tình góp phần quan trọng vào việc củng cố sự đoàn kết trong Đảng, chống suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiến lên.
Ở độ tuổi 26, với đức độ và tài năng xuất sắc, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Hội nghị Trung ương 5 (tháng 3-1938) bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá về đồng chí: Về tuổi đời, anh Cừ kém chúng tôi và các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập từ 5 đến 10 tuổi, nhưng anh là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em. Anh là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức rất trong sáng, được mọi người kính phục.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một người cộng sản mẫu mực, là niềm tự hào của Đảng ta và dân tộc ta.
3.2. Một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Xuất thân từ một học sinh, 15 tuổi với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thông qua phong trào đấu tranh yêu nước, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực hiện chủ trương “vô sản hoá" của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở vùng mỏ Đông Bắc (từ 1928 – 1930) đồng chí đã hoà mình vào cuộc sống của người lao động, sớm nhận thức về khả năng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam. Với tinh thần quyết tâm cách mạng, đồng chí đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh kêu gọi công nhân lao động mỏ đứng lên làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Tờ báo Than do đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp chỉ đạo và là người biên tập chính, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin đã được phát hành rộng rãi ở Mạo Khê và vùng mỏ Đông Bắc. Ngay từ những số đầu tiên, tờ báo Than đã động viên, cổ vũ và hướng dẫn quần chúng đứng lên đấu tranh chống chế độ áp bức bất công của thực dân Pháp, ủng hộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Đồng chí có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều công nhân, lao động nhiều nghề khác nhau, qua đó có dịp phân tích và kịp thời chỉ ra những ưu điểm và uốn nắn những lệch lạc trong công tác vận động công nhân, nhờ đó phong trào cách mạng ở vùng than có bước chuyển biến và phát triển nhanh chóng. Đầu năm 1930, đồng chí đã cùng với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Mạo Khê và chỉ đạo thành lập các đảng bộ ở mỏ Uông Bí, Cửa Ông, Cẩm Phả… Từ một học sinh tiểu tư sản, hoà mình gắn bó với đời sống gian khổ của thợ mỏ, kết hợp với việc tích cực tự rèn luyện và học tập lý luận cách mạng, sau hơn 2 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành một trong những người đầu tiên xây dựng các chi bộ đảng và Đặc khu ủy đảng ở vùng mỏ, một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng than Đông Bắc.
Khi bị địch bắt, bị giam cầm tra tấn tại nhà tù Côn Đảo (từ 1931 – 1936), đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cùng với các đồng chí cán bộ trung kiên của Đảng biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã được nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, như: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", “Hai sách lược của Đảng", “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào công nhân", “Nguyên lý chủ nghĩa Mác – Lênin"…. Thông qua việc trao đổi trực tiếp với các đồng chí bạn tù, kết hợp với thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú của mình, đồng chí đã nhận thức và hiểu sâu sắc nhiều vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chính trong những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí đã tích lũy, trau dồi về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi rọi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, rút ra những bài học cách mạng quý báu. Con đường nhận thức biện chứng mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trải qua để trở thành nhà lãnh đạo, nhà lý luận trẻ tuổi xuất sắc của Đảng gian khổ, oanh liệt và rất đỗi vẻ vang.
Tinh thần quốc tế vô sản đã thể hiện rõ nét ngay từ những năm 30 khi trở thành đảng viên cộng sản, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có nhiều bài viết sâu sắc kêu gọi những người cộng sản và các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam ủng hộ cách mạng Trung Quốc, Liên Xô, như: “Giúp Tàu (Trung Quốc) là nhiệm vụ của hết thảy mọi người yêu mến tự do và hòa bình. Giúp Tàu là một bộ phận trong việc phòng thủ Đông Dương"1; ủng hộ Liên Xô vào Hội Quốc liên, vận động giúp cách mạng Trung Quốc kháng Nhật v.v… Những bài viết này thể hiện khả năng khái quát cao, tư duy độc lập và biện chứng về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương với cách mạng thế giới, những vấn đề cách mạng nóng bỏng trong nước và quốc tế, khẳng định tài năng chính trị của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và dân tộc ta.
III. Học tập quan điểm tự phê bình và phê bình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm “Tự chỉ trích" để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW
Kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức các hoạt động tuyên tuyền kỷ niệm 109 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một hình thức sinh hoạt chính trị có ý nghĩa đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhằm tôn vinh và khẳng định những cống hiến lớn lao của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng, dân tộc ta; thiết thực bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) mỗi cán bộ, đảng viên cần học tập quan điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ“.
Học tập một số nguyên tắc và mục tiêu trong tự phê bình và phê bình của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm".
“Tự chỉ trích bônsơvích là để giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng ngày càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi, chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng – dù cho đúng – đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng".
“Phải cần làm cho các đảng viên giác ngộ, rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn, nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm; đồng thời Đảng phải tìm cách củ soát một cách thiệt sự hơn những hành động của mỗi đảng viên".
“Chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: Xu hướng “Tả khuynh", cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh".
“Thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động".
“Củng cố hàng ngũ để chóng thực hiện thống nhất các lớp nhân dân".
- Noi gương Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, cán bộ, viên chức, người lao động Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao
Noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ đoàn kết, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các quan điểm của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó, chú trọng đến việc vận dụng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Thứ hai, Tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, các quy định của Trung ương và của tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 27/8/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Ninh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025. Xây dựng Đảng bộ và Trường hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống các quy chế, quy định. Trước mắt, tiến hành bổ sung hệ thống các nội quy trong cơ quan; quy chế quản lý và sử dụng tài sản công, quy chế chi tiêu nội bộ; quy định đào tạo và bồi dưỡng cán bộ
Thứ tư, tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Trong đó, Trường tiếp tục cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; kiến thức kinh điển về Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, giảng viên chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn xét chuyển ngạch nhất là đối với giảng viên. Phấn đấu đến trước năm 2025, Trường hoàn thành các tiêu chí Trường chính trị chuẩn đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Tăng cường phối hợp tuyển sinh đào tạo các lớp Trung cấp LLCT theo hình thức tập trung; các lớp bồi dưỡng theo ngạch bậc và vị trí việc làm, đảm bảo tỷ lệ theo quy định về Trường Chính trị chuẩn. Tập trung nâng cao chất lượng các khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy: tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với ứng dụng công nghệ hiện đại. Quản lý chặt chẽ và có hiệu quả đối với quá trình học tập, rèn luyện của học viên. Tổ chức tốt việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên. Phấn đấu đến năm 2025, Trường hoàn thành các tiêu chí Trường chính trị chuẩn Mức 1 về đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ sáu, tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học: tăng cường tổ chức Hội thảo cấp tỉnh, tọa đàm khoa học cấp trường, cấp tỉnh. Cán bộ, giảng viên chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, nhất là các hoạt động tổng kết thực tiễn ở địa phương. Chủ động phối hợp, đề xuất thực hiện các đề tài khoa học cấp tỉnh và tham gia các hoạt động khoa học khác của tỉnh. Trường sẽ tiếp tục duy trì phát hành 3 số nội san “Lý luận và thực tiễn”/năm; đồng thời tăng cường việc xuất bản sách phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn Mức 1 về hoạt động khoa học.
Thứ bảy, Quản lý và khai thác tốt hệ thống cơ sở vật chất và các phương tiện kỹ thuật của Trường để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động khác của tỉnh khi được trưng tập. Xây dựng Đề án về khai thác, quản lý và sử dụng tài sản công để khai thác, sử dụng công trình nhà Lớp học, bảo đảm bù đắp một phần kinh phí duy trì, bảo dưỡng các thiết bị phục vụ. Nâng cấp hệ thống mạng internet để phục vụ tốt hơn cho hoạt động chung của Trường, nhất là công tác truy cập thông tin phục vụ nghiên cứu, giảng dạy; đào tạo theo hình thức trực tuyến…Tiếp tục duy trì công tác tài chính đảm bảo theo đúng các quy định./.