Cuốn sách tập hợp gần 77 bài phát biểu được chia thành nhiều giai đoạn trong quá trình hoạt động cách mạng của Bác từ 1920-1969, những tác phẩm đề cập tới mục tiêu, phương hướng, các hình thức, biện pháp cụ thể giáo dục thanh niên, nhấn mạnh đến nguyên tắc giáo dục toàn diện. Bác cho rằng “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên vẹn đức dục, trí dục và thể dục. Một con người có trí tuệ và nhân cách phát triển lệch lạc không thể là một người chủ xứng đáng của đất nước, của Tổ quốc”.
Ngay từ những trang đầu cuốn sách là bản Di Chúc năm 1969, Bác đã dành một phần để căn dặn Đoàn viên và thanh niên: “đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức các mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.
Trong từng giai đoạn, tùy theo tình hình cụ thể Bác đưa ra các mục tiêu của công tác giáo dục nhằm bồi dưỡng và đào tạo thanh niên thành những con người mới xã hội chủ nghĩa có tư tưởng đúng và tình cảm đẹp, có kiến thức, có kỹ năng và thể lực cần thiết để làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân.
Năm 1920 trên diễn dàn Đại hội Tours (Tua), Hồ Chủ tịch đã lên tiếng phản đối bọn phản động thuộc địa gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân và thanh niên Đông Dương. Tiếp đó Bác và đã đánh giá đầy đủ vị trí quan trọng vai trò lực lượng thanh niên và đưa thanh niên vào con đường cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng qua các bức thư: “Gửi thanh niên Việt Nam”, “Đường Cách Mệnh” và “Lời kêu gọi”. Cách mạng tháng tám thành công, Bác vạch rõ: “Thanh niên là người làm chủ tương lai của nước nhà”.
Bước sang giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, Hồ Chủ tịch dạy: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”.
Bác nhắc nhở: “Thanh niên ta có vinh dự to lớn thì cũng có trách nhiệm to lớn, để làm tròn trách nhiệm thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn”.
Khi đất nước một lần nữa đứng dậy đấu tranh chống đế quốc Mỹ thống nhất nước nhà Bác nêu cao những tấm gương của tuổi trẻ đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì chủ xã hội như Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Tạ Thị Kiều, Trương Văn Hòa…
Những bài viết, những lá thư chan chứa tình cảm của Bác dành cho thanh niên xung phong, cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, học sinh, sinh viên … luôn là lời động viên sâu sắc không chỉ có giá trị lúc bấy giờ mà còn có giá trị trường tồn mãi mãi với thời gian.
“Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên” – cuốn sách là những tư tưởng quý báu của chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên và sẽ mãi mãi là tỏa sáng trong suốt hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế ngày nay, những tư tưởng đó lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Thấm nhuần một cách sâu sắc những lời dạy đó sẽ giúp thanh niên có thêm niềm tin và sức mạnh để lao động, học tập và công tác, cống hiến sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng – Xã hội Chủ nghĩa.