Cứ mỗi dịp Tháng 5 về, lòng mỗi người chúng ta lại bâng khuâng nhớ về kỷ niệm của những ngày 19/5 khi Bác Hồ kính yêu còn sống. Chợt nhớ lại ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Từ đó trở đi, cứ đến dịp 19/5, toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, niềm vui lâng lâng, kính yêu Bác vô hạn. Có một câu hát đã làm xúc động bao thế hệ Thiếu niên, nhi đồng hơn nữa thế kỷ nay vẫn được các em hát lên, hát mãi để tỏ lòng kính yêu bác. “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh – Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng Thiếu niên nhi đồng…". Các em là lòng kính yêu Bác Hồ nhất, Bác Hồ cũng yêu thương các em nhất. Chính vì vây cô luôn mong các em sẽ luôn chăm chỉ học tập, là con ngoan trò giỏi, làm theo lời Bác dạy. Luôn nhớ ơn công lao to lớn của Bác Hồ để chúng ta có được như ngày hôm nay. Nhân dịp lỷ niệm 121 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay cô xin trân trọng giới thiệu đến các em cuốn sách “ 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ” của tác giả Trần Đương, do nhà xuất bản Thông Tấn ấn hành năm 2008. Sách dày 120 trang, khổ 13x 20.5cm. Bìa sách được sử dụng loại bìa mềm, được trang trì rất hài hòa. Cuốn sách này được tuyển chọn và nằm trong tủ sách danh nhân Hồ Chí Minh. Dưới nhan đề tên sách là bức ảnh mô tả khung cảnh Bác Hồ đang nghỉ giải lao và ngồi nói chuyện với các anh em chiến sỹ. Sự phối màu trong bức ảnh và màu nền của bìa sách rất giản dị mà cũng rất đời thường khiến người đọc cầm cuốn sách trên tay cảm thấy rất gần gũi và ấm áp.
Cuốn sách là tập hợp 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ, những câu chuyện vui được xuất hiện trong những lần giải lao, những chuyến đi thực tế, những bài nói chuyện…với quần chúng, hay những trò chơi mà Bác tham dự. Những câu chuyện đó thường là sự hóm hỉnh, hài hước để vui đùa; đôi khi cũng là để nhắc nhở, để châm biếm, để giáo dục quần chúng, cán bộ đảng viên.
108 CHUYỆN VUI ĐỜI THƯỜNG CỦA BÁC HỒ, Tác giả Trần Đương (tuyển chọn và biên soạn) phần nào đã khái quát được một con người lãnh tụ nhưng cũng rất quần chúng, gần gũi và nó xoá đi mọi khoảng cách giữa lãnh tụ với quần chúng. Hơn thế nữa đó phá đi cái cách bức, cái trịnh trọng không cần thiết, tạo ra
không khí giao hoà giữa lãnh tụ và quần chúng.
Tính vui vẻ, hài hước, thích bông đùa, đó là một trong những nét đặc sắc trong cuộc sống đời thường của Bác Hồ. Đọc hồi ký của những người từng hoạt động, công tác bên Bác, từng có dịp tiếp xúc lâu với Người, chúng ta có thể gặp được hàng trăm mẩu chuyện nói lên tính vui, hài hước, dí dỏm của vị lãnh tụ kính yêu. Những mẩu chuyện được tuyển chọn và giới thiệu trong cuốn sách “108 Chuyện Vui Đời Thường Của Bác Hồ chỉ là một phần rất nhỏ về tính vui của Bác”.
Đọc tác phẩm của Bác Hồ, nghe kể chuyện về Bác Hồ, trong đó có những mẩu chuyện vui trong đời thường của Người, chúng ta có cảm tưởng: Người mãi mãi hiện diện trong cuộc sống của thế hệ chúng ta và các thế hệ mai sau
Thật vậy, Bác Hồ lúc sinh thời trong ứng xử đời thường luôn tạo được không khí giao hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng. Tính vui, hóm hỉnh, thích hài hước ấy của Người xóa nhòa mọi khoảng cách giữa vị lãnh tụ với quần chúng nhân dân.
Đến với 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ chúng ta càng thêm hiểu biết về cuộc đời làm cách mạng gian khổ nhưng rất lạc quan của Người. Cuộc sống của Bác Hồ bao giờ cũng giản dị vui tươi. Bác làm từ việc lớn, như lãnh đạo cách mạng, đến việc bình thường nhất, như xây bột, giã gạo, vác gỗ…. Mỗi khi Người xuất hiện ở đâu là ở đó rộn lên niềm vui và tiếng cười hồ hởi không dứt. 108 chuyện vui được sưu tầm trong quyển sách là những ứng xử đời thường của Người, qua đây ta thấy sự hóm hỉnh, tính hài hước ấy được thể hiện càng đa dạng, phong phú, để đùa vui, để nhắc nhở, để châm biếm, giáo dục và nhất là để phá đi cái trịnh trọng, cách bức không cần thiết giữa lãnh tụ với quần chúng.
Như chuyện kể Bác đi chiến dịch biên giới. Chuyến đi kéo dài hơn một tháng, riêng đi bộ hết 29 ngày. Một hôm đi mãi từ sáng đến trưa không nghỉ. Mọi người mệt nhưng không dám đề nghị Bác cho nghỉ. Đến một đoạn đường có cây to, thấy nhân dân treo khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, Bác cười vui vẻ và hỏi:
– Đố các chú: đồng bào treo bảng gì kia?
Anh em trả lời:
– Thưa Bác, khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm” ạ!
Bác cười và nói:
– Không phải, Hồ Chủ tịch muốn nằm đây!”
Được lời như cởi tấm lòng, anh em đề nghị Bác cho tạt vào rừng nghỉ. Bác đồng ý.
Hay câu chuyện Bác giữ trật tự kể rằng Bác Hồ thăm trường Công an Trung ương đóng ở tỉnh Tuyên Quang. Sau khi Bác nói chuyện với học viên, đồng chí Lê Giản, Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương đề nghị Bác cho anh em chụp ảnh chung với Bác. Bác vui vẻ đồng ý. Thế là mọi người reo lên tranh nhau đứng gần Bác. Đồng chí nhiếp ảnh loay hoay mãi mà không sắp xếp được. Thấy vậy, Bác đứng dậy nói:
– Để Bác giữ trật tự cho các chú công an!
Bác Hồ:
– Tất cả đứng nghiêm, đằng sau quay, tiến lên 3 bước!
Mọi người giữ trật tự, rồi Bác đứng vào hàng đầu. Bác cháu cùng hân hoan vui vẻ.
Có thể nói, tiếng cười là hiện thân của sức sống, lòng yêu đời, trí thông minh, coi thường những thử thách gian nan của cuộc đời. Tiếng cười cũng là sự uốn nắn nhẹ nhàng đối với mọi cái gì còn tầm thường, thô kệch. Truyền thống lạc quan của dân tộc ta đã thấm sâu vào máu thịt, tâm hồn Hồ Chí Minh và được Người thể hiện ra một cách tự nhiên trong cuộc sống và trong ứng xử.
Đọc 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ các em sẽ thấy được tâm hồn lạc quan trong một nhân cách lớn của vị lãnh tụ kính yêu. Đằng sau những câu chuyện vui ấy còn là những bài học thâm thúy đầy ý nghĩa dành cho mọi người cùng suy ngẫm. Cô mong rằng đọc xong cuốn sách các em sẽ ngày càng yêu mến và kính trọng Bác nhiều hơn, để làm được điều đó các em hãy cố gắng học tập thật tốt, nghe lời thầy cô, bố mẹ, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Mãi xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ.
Buổi giới thiệu sách hôm nay đến đây là kết thúc. Sau buổi giới thiệu xin mời các em hãy đến thư viện để đón đọc.
Tạm biệt các em! chúc các em vui, khoẻ, đạt dược nhiều thành tích trong học tập.